
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children International) hợp tác với các đối tác cấp địa phương và trung ương thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển kỹ năng làm quen với Toán và Đọc viết cho trẻ mầm non theo hai giai đoạn:
1. Giai đoạn 1: từ tháng 9/2015 – tháng 12/2016. Đối tác thực hiện là Phòng GD&ĐT Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và Phòng GD&ĐT Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu của giai đoạn này chủ yếu là áp dụng thí điểm Bộ công cụ Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Đọc viết và Toán (ELM) tại các địa phương có đặc điểm đặc thù, để thu thập các bằng chứng hiệu quả về tác động tích cực của ELM lên việc cải thiện kết quả học sớm của trẻ mầm non tại các trường dự án. Bên cạnh đó, dự án cũng đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của giáo viên và người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của giáo dục nói chung, và việc tác động sớm đối với trẻ trong độ tuổi mầm non nói riêng, để trẻ có kết quả học tập tốt hơn về sau.
2. Giai đoạn 2: từ tháng 6/2017 – 6/2018. Ngoài việc tiếp tục hợp tác với hai đối tác cấp địa phương trong giai đoạn 1, trong giai đoạn này Tổ chức SCI phối hợp với đối tác cấp trung ương là Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục để triển khai hợp phần về vận động chính sách cho Bộ công cụ ELM. Dựa trên những bằng chứng tích cực về hiệu quả tác động của bộ công cụ ELM sau thời gian thí điểm, BQL DA tiếp tục thực hiện giai đoạn số 2 với mục tiêu mang phương pháp tiếp cận và bộ công cụ ELM đến với những đối tượng rộng hơn, được chấp nhận và áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục mầm non chính quy.
Mục tiêu của dự án góp phần nâng cao sự sẵn sàng đi học và sự phát triển toàn diện của trẻ em dân tộc thiểu số tại địa bàn dự án nên đối tượng hưởng lợi chính của dự án là các trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số H'Mong, Dao, Thái và Cơ Tu ở các huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Để hỗ trợ nhóm mục tiêu này, dự án tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non và cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh/ người chăm sóc trẻ tại địa phương về thực hành ELM tại trường và tại nhà. Bên cạnh đó, Tổ chức SCI phối hợp với Cục Nhà giáo và CBQL GD triển khai tập huấn báo cáo viên quốc gia về ELM cho các cán bộ quản lý giáo dục mầm non của 25 tỉnh thành trọng điểm trên cả nước.
Dự án tập trung vào ba hợp phần chính:
(i) Cải thiện môi trường học tập tại trường,
(ii) Cải thiện mội trường học tập tại nhà và
(iii) Thúc đẩy sự công nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với phương pháp ELM như là một bộ công cụ toàn diện nâng cao tính hiệu quả của chương trình Giáo dục mầm non quốc gia hiện hành.
Sức khỏe và Dinh Dưỡng học đường, Bảo vệ Trẻ em, Giảm thiểu Rủi ro do thiên tai và Nước Sạch Vệ Sinh Môi Trường là những vấn đề xuyên suốt, được lồng ghép trong các hoạt động của dự án.
Dự án có sự tham gia tích cực của các bên liên quan và là điển hình cho mô hình hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tổ chức phi chính phủ (Tổ chức Cứu Trợ Trẻ Em) và cộng đồng địa phương (nhà trường và cha mẹ học sinh), góp phần thúc đẩy môi trường giáo dục thân thiện và hiệu quả tại gia đình và nhà trường theo phương pháp tiếp cận mới về giáo dục sớm cho trẻ mầm non.